Được xếp vào một trong những loại công việc khó tìm nhân lực trong 5 năm tới, thợ điện, thợ cơ khí, thợ hàn… hiện có nhiều lợi thế về cơ hội việc làm hấp dẫn cả trong và ngoài nước với mức thu nhập bình quân cao.
Nhân lực của một số ngành đòi hỏi lao động có tay nghề hiện đang rơi vào tình trạng cung ít - cầu nhiều. Tại các khu công nghiệp lớn trên địa bàn Hà Nội như Bắc Thăng Long, Quang Minh, cụm công nghiệp Ngọc Hồi… nhiều công ty luôn thiếu hụt công nhân tham gia các vị trí chạy máy gia công CNC, máy tiện, máy phay CNC, phay cơ hoặc kỹ sư am hiểu về thiết bị lưu điện phục vụ cho cho các thiết bị tin học khác như máy tính, máy chủ…
Dễ tìm việc, thu nhập cao
Tốt nghiệp kỹ sư điện, anh Nguyễn Văn Hùng (31 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm- Hà Nội) cho biết, sau khi ra trường anh cũng như nhiều lao động kỹ thuật khác nhanh chóng tìm được việc làm, có thu nhập tốt, sớm ổn định cuộc sống.
Vài năm tiếp theo anh Hùng nhận thấy bản thân có thể phát triển thêm nghề nghiệp bằng cách đầu tư học về kỹ thuật tin học. Theo anh Hùng, 2 nghề trên có thể bổ trợ nhau về mặt lý thuyết nên chỉ cần chăm chỉ vừa làm vừa học trong vòng 1 năm là người lao động nắm chắc trong tay nhiều cơ hội thăng tiến. "Sinh viên học điện- điện tử khi ra trường dễ kiếm việc tại các doanh nghiệp hoặc làm thuê thời vụ cho công ty nhỏ. Nếu có vốn nhiều thì tự mở cửa hàng nhận sửa các thiết bị điện gia đình, lắp và kiểm tra đồ điện dân dụng.
Trung bình mức lương dành cho lao động mới gia nhập thị trường khoảng 5 – 7 triệu đồng/tháng, tùy vào tay nghề, sau một vài năm tích lũy kinh nghiệp, mức lương thợ chính tăng lên từ 10 – 15 triệu đồng/tháng, công việc khó như sửa chữa thiết bị điện công nghiệp tại các nhà máy sẽ nhận mức lương cao hơn là 20 triệu đồng/tháng", anh Hùng nói.
Anh Lê Đình Hải, chủ cửa hàng chuyên lắp đặt, sửa chữa điện gia dụng trên đường Đê La Thành (quận Đống Đa) thông tin, mức lương đối với thợ phụ tại cửa hàng của anh hiện nay là 8 triệu đồng/tháng, thợ chính 13 – 15 triệu đồng/tháng, chưa kể những tháng cao điểm nhân công phải làm thêm giờ sẽ được thưởng từ 2 – 3 triệu đồng/người. "Học nghề điện không bao giờ lo thiếu việc, vấn đề là người lao động có chịu khó làm công việc chân tay hay không. Cửa hàng của tôi có 5 thợ chính, 6 thợ phụ mà đến mùa nóng, nhu cầu lắp, sửa điều hòa tăng đột biến vẫn không tải được hết các đơn đặt hàng, còn ngày bình thường anh em nhận sửa đồ gia dụng, mùa đông thì sửa bình nóng lạnh. Nhìn chung quanh năm đều có việc để làm", anh Hải kết luận về nghề thợ điện.
Đối với nghề cơ khí, anh Nguyễn Văn Lam (quê Thanh Hóa), hiện đang làm lao động thời vụ tại Hà Nội cho biết, với hơn 10 năm kinh nghiệm, anh Lam được chủ trả công 500.000 đồng/ngày, thợ mới học việc 200.000 đồng/ngày, được bố trí chỗ ở và bao ăn trưa. Công việc hàng ngày của anh Lam là gia công, lắp đặt cửa nhựa, nhôm kính và chế tạo các loại sản phẩm kim khí. "Công việc tuy vất vả nhưng tôi có thể linh hoạt được nơi làm việc, hôm nay nhận làm ở thành phố, ngày mai di chuyển về gần nhà mà ngày công tương đương nhau", anh Lam vui vẻ nói.
Cung không đủ cầu
Mặc dù đã đăng tuyển với mức lương và chế độ đãi ngộ tương đối cao nhưng nhiều doanh nghiệp, nhiều cơ sở sản xuất loại vừa và nhỏ vẫn rất vất vả khi tìm kiếm nhân lực có tay nghề tốt. Anh Nguyễn Văn Hùng cho biết, công ty anh đang làm chuyên về sửa máy chủ, sửa server, tính chất công việc khá vất vả ngoài đòi hỏi lao động chất lượng để đáp ứng được chuyên môn thì yêu cầu chăm chỉ, trung thực cũng được đề cao.
Tuy nhiên, phải 30 người đến thử việc may ra mới chọn được một người phù hợp nhưng làm vài năm, có kinh nghiệp họ lại tách ra làm riêng, gây khó khăn cho chủ sử dụng lao động.
Kết quả khảo sát Thiếu hụt nhân tài 2016/2017 của ManpowerGroup thực hiện ở 42.000 doanh nghiệp trên toàn cầu cho thấy, các loại công việc đòi hỏi tay nghề như thợ điện, thợ mộc, thợ cơ khí… vẫn được xếp vào loại công việc khó tìm nhân lực nhất trong 5 năm liên tiếp. Trong danh sách 10 ngành nghề khó tuyển dụng nhân sự nhất có thể kể đến các vị trí trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đại diện bán hàng, kỹ sư, kỹ thuật viên và tài xế, nhân viên tài chính kế toán, nhân viên văn phòng, sản xuất và vận hành máy...
Kết quả khảo sát trên cũng tương đồng với dự đoán của Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, đến năm 2020 nhu cầu nhân lực liên quan tới ngành cơ khí sẽ chiếm khoảng 28% tổng nhu cầu lao động. Hiện cả nước có khoảng 14.800 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm cơ khí, tuy nhiên, chỉ có 12 doanh nghiệp có trên 5.000 lao động, 116 doanh nghiệp có trên 1.000 lao động... nhiều doanh nghiệp vẫn đang chật vật để thu hút, giữ chân lao động có tay nghề cao.
Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết, nhu cầu của các doanh nghiệp về thợ điện- điện tử, cơ khí, hàn là rất lớn nhưng việc tuyển dụng lại gặp nhiều khó khăn. Theo ông Khánh, nguyên nhân của tình trạng trên là do cơ cấu trình độ hiện vẫn tồn tại nhiều bất cập, đào tạo trình độ đại học tràn lan trong khi đó số lượng người học nghề ít. Tiếp đến là tâm lý của người lao động Việt, ngại những việc làm mang tính nặng nhọc, khó khăn.
Ông Khánh nêu dẫn chứng, nhiều người không lựa chọn nghề cơ khí vì lầm tưởng công việc vất vả nhưng hiện nay nhờ sự phát triển của công nghệ, ngành cơ khí đã được chuyên môn hóa, nhiều công đoạn người làm gần như không tham gia vào như tiện, phay, bào, hàn mà chỉ đứng máy nhấn nút, lập trình gia công. Chính điều này khiến tình trạng tuyển sinh đầu vào của các trường nghề bị hạn chế, dẫn đến đầu ra ít, nhiều doanh nghiệp để đối phó với trình trạng thiếu hụt nguồn lao động phải đặt hàng tuyển dụng trước với các trường nghề.